Trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm sẽ có những thay đổi, nhất là về tình trạng phân. Vậy bố mẹ cần nhận biết phân của trẻ ăn dặm như thế nào? Làm sao để nhìn phân phán đoán tình trạng sức khỏe của con? Bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây để nắm thêm nhưng thông tin chi tiết nhé.
Thời điểm trẻ bắt đầu ăn dặm
Ăn dặm là khi trẻ bắt đầu chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ/sữa công thức sang chế độ có thức ăn đặc (cháo, bột, hoa quả,…). Các bác sĩ khuyên rằng, trẻ nên bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Bởi đây là lúc các bộ phận như lưỡi, miệng, hệ tiêu hóa hoạt động tốt để nuốt, tiêu hóa được thức ăn đặc. Trong trường hợp các bố mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi) có thể dẫn đến tình trạng khó tiêu, đau bụng, đầy bụng, táo bón ở trẻ. Vì thời điểm này hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa thật sự hoàn chỉnh.
Phân của trẻ ăn dặm như thế nào là bình thường?
Chắc hẳn đối với những người làm bố mẹ lần đầu sẽ còn rất nhiều bỡ ngỡ khi con bắt đầu chuyển sang ăn dặm. Ở giai đoạn này, phân của trẻ có những thay đổi khá rõ nét, nếu không hiểu rõ về tình trạng phân có thể khiến bố mẹ lo lắng. Vậy, trước khi tìm hiểu về phân của trẻ trong thời kỳ ăn dặm, bạn nên nắm được tình trạng phân lúc sơ sinh và khi bú mẹ.
Đặc điểm phân su của trẻ vừa chào đời
Sau khi sinh trẻ sẽ đi đại tiện phân su. Loại phân này có màu xanh đen, nhìn gần giống với dầu xe máy. Phân này được hình thành từ nước ối, chất nhầy, mọi thứ bé tiêu hóa khi còn trong bụng mẹ.
Đặc điểm phân của trẻ sơ sinh khi bú sữa mẹ
Trẻ sau khi sinh và bú mẹ khoảng 3 ngày thì phân đã có sự thay đổi cả về kích thước, màu sắc và đặc điểm. Cụ thể như:
- Kích thước tối thiểu 3cm.
- Có màu vàng mù tạt, vàng.
- Phân lỏng, có thể dính lợn cợn các hạt nhỏ, vón cục.
Nếu trẻ bú sữa công thức thì phân có thể sẽ khác hơn:
- Kích thước của phân to hơn khi bú mẹ.
- Có màu vàng nhạt, nâu vàng.
- Phân có mùi giống với phân của người lớn.
Phân của trẻ ăn dặm
Khi cho trẻ chuyển từ sữa sang thực phẩm khác như: Bột, cháo, trái cây, rau, củ,… thì chắc chắn phân sau khi đi đại tiện cũng sẽ thay đổi cả về đặc điểm và số lần đi đại tiện.
Khi ăn dặm trẻ đi đại tiện ngày bao nhiêu lần?
Không thể xác định chính xác khi trẻ ăn dặm sẽ đi đại tiện bao nhiêu lần. Vì nó còn tùy thuộc vào từng giai đoạn. Phần lớn, trẻ sẽ đi đại tiện từ 1-2 lần/ngày, nhưng cũng có thể không đi lần nào.
Tính chất phân khi trẻ bắt đầu ăn dặm
Trong thời gian đầu tiên ăn dặm, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn tập làm quen với thức ăn mới, vì vậy sẽ xuất hiện phân sống (ăn gì thì thức ăn đó sẽ theo phân đi ra ngoài). Ví dụ, nếu trẻ ăn cháo nấu với rau xanh thì phân sẽ có lợn cợn rau.
Về độ lỏng, nhầy, rắn hay màu sắc của phân sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thực phẩm ăn hôm trước. Chính vì thế mà khi trẻ đi phân xanh trong giai đoạn này thì bố mẹ cũng không cần quá lo lắng đâu nhé. Đặc biệt, phân của trẻ cũng không sánh mịn như khi bú sữa.
Khi bố mẹ cho trẻ ăn thực phẩm thịt, cá, rau củ,… thì phân cũng sẽ có mùi nặng hơn. Đây là trường hợp bình thường của phân, bố mẹ hãy cứ làm quen dần nhé.
Tuy nhiên, nếu phân của trẻ thuộc các trường hợp sau thì bố mẹ hãy đưa con đi khám để được chẩn đoán kịp thời:
- Trong phân có máu tươi, máu đỏ, phân đen ngoại trừ phân su (có thể gặp vấn đề đường ruột).
- Phân màu trắng bợt (có thể mắc bệnh về gan hoặc túi mật).
- Trong phân có một lượng lớn chất nhầy, nước màu xanh lá cây (có thể là bệnh tiêu chảy)
- Số lần trẻ đi ngoài nhiều hơn, lượng phân nhiều bất thường.
- Phân cứng, rắn, lợn cợn thành từng cục, trẻ đại tiện phải rặn (có thể trẻ bị táo bón).
- Phân bình thường nhưng lại dính máu (có thể trẻ bị khó tiêu hóa Protein).
- Phân vàng, lỏng, nhầy nhớt hay còn gọi là hoa cà hoa cải (bé có thể bị virus viêm ruột).
Các tình trạng về phân bất thường này sẽ làm cho trẻ khó chịu, đau, quấy khóc. Thậm chí với một số trường hợp nặng còn ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ (đặc biệt là tiêu chảy mất nước). Vì vậy bố mẹ nên để ý, theo dõi tình trạng phân của trẻ để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường.
Ngoài ra, bé có triệu chứng nôn, trớ thì bố mẹ cũng nên đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị nhé.
Gợi ý: Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 8 tháng
Lưu ý khi cho trẻ ăn dặm
Trong quá trình cho trẻ ăn dặm, bố mẹ cần phải lưu ý một số vấn đề như sau:
- Ăn dặm chỉ là các thực phẩm bổ sung, không thể thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ/sữa công thức. Bố mẹ cần cho trẻ tập ăn từ từ để trẻ làm quen dần.
- Trong thời gian đầu nên cho trẻ ăn đồ loãng sau đó là đặc ít đến đặc nhiều. Bố mẹ nên tăng độ đặc và lượng thức ăn từ từ, tùy vào độ hợp tác của trẻ.
- Trong năm đầu tiên, sữa mẹ/sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ (sữa chiếm khoảng 70% khẩu phần ăn). Mặc dù trẻ ăn dặm nhưng bố mẹ cũng đừng quên bổ sung đầy đủ cho con nhé.
Kết luận
Bài viết trên đây đã giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng phân của trẻ ăn dặm bình thường và bất thường. Trong giai đoạn ăn dặm, bố mẹ nên để ý theo dõi tình trạng phân của con để nhanh chóng phát hiện các vấn đề bất thường để có phương án xử lý kịp thời.
Mẹ tham khảo thêm: